vietnamese Tiếng Việt english English
Hôm nay:
Tin mới đăng:

Kỹ thuật làm Khèn của dân tộc Mông

  Kỹ thuật làm Khèn của dân tộc Mông

 Si Ma Cai là một vùng cao biên giới thuộc tỉnh Lào Cai, là một trong những huyện rất khó khăn nhưng văn hóa bản địa của cộng đồng các dân tộc Si Ma Cai luôn lôi cuốn tất cả những ai muốn tìm hiểu và khám phá những điều mới lạ ở cộng đồng người dân tộc thiểu số. Đi du lịch tại Si Ma Cai bạn sẽ thấy, hiểu và yêu hơn mảnh đất biên cương này. Mời bạn đến Si Ma Cai để tìm hiểu về chiếc khèn Mông.

Khèn Mông có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Mông. Nó là công cụ để người chết biết tìm đường về với tổ tiên họ hàng, hiện nay khèn Mông được sử dụng rộng rãi như một nhạc cụ trong đời sống và biểu diễn nghệ thuật.

Khèn Mông được làm từ những vật liệu tự nhiên, gần gũi với đời sống người Mông; hiện nay trên địa bàn huyện Si Ma Cai, số nghệ nhân biết làm loại nhạc cụ này không còn nhiều, trong đó ông Hoàng A Giáo ( xã Bản Mế) là một nghệ nhân có tài, hiện nay nghề làm khèn dân tộc với giá mỗi chiếc từ 800 nghìn đến hơn 1 triệu một chiếc đã mang lại nguồn thu nhập chính cho ông Giáo.

Kỹ thuật làm Khèn của dân tộc Mông
 ảnh 1 ( nghệ nhân Hoàng A Giáo xã Bản Mế )

Làm được một chiếc khèn đòi hỏi phải lựa chọn được vật liệu tốt, vật liệu để làm khèn chủ yếu là tre và gỗ. Thân khèn được làm bằng gỗ thông hoặc gỗ xoan, việc lựa chọn loại gỗ có độ săn chắc từ những loại cây mọc ở nơi đất xấu thì khèn mới bền, ít bị nứt, hỏng. Người ta bổ khối gỗ ra làm 2 phần, khoét rỗng bên trong, họ sẽ ghép lại 2 miếng gỗ lại sao cho tạo được thân khèn. Cấu tạo thân khèn gồm có: ống thổi ( được bịt bằng sắt hoặc đồng), bầu khèn ( là một bầu rỗng, nơi chứa các ống khèn); và chân khèn.

Nghệ nhân sẽ ghép và cố định 2 mảnh gỗ bằng vỏ cây, ngày nay nghệ nhân có thể dùng dây nhựa cố định thân khèn, để thân khèn và bầu khèn chắc chắn nghệ nhân sẽ dùng những chiếc đinh rất nhỏ đóng vào bầu khèn.

Người ta cắt 6 ống tre, có độ dài ngắn khác nhau, đó chính là công cụ tạo lên các âm điệu trầm, bổng của chiếc khèn. Ống khèn được làm từ một loại tre (người Mông gọi chung các loại cây họ tre đều là cây tre); loại tre này có đặc điểm ống nhỏ, vỏ dày, chắc chắn.

Nghệ nhân xác định độ dài các ống khèn một phần dựa vào kinh nghiệm bản thân, theo ông Hoàng A Giáo, xã Bản Mế cho biết: Sử dụng đơn vị là độ rộng của các ngón tay, lòng bàn tay để xác định độ dài các ống khèn. Lắp ống khèn vào thân khèn để tạo lỗ khèn, lỗ khèn được tạo sao cho vừa tay người thổi, dùng dao nhọn chọc tạo lỗ khèn và dùng một thanh sắt tròn đều nung trong lửa nóng để đục tạo lỗ

Tạo lưỡi gà cho các ống khèn: Lưỡi gà làm bằng đồng được dát mảnh sẽ tạo ra được âm vang xa; riêng ống tre to nhất nghệ nhân sẽ đặt 2 lưỡi gà. Cách đặt lưỡi gà vào bầu khèn có chiều hướng vào phía trong của bầu.

Cắt lưỡi gà là một kỹ thuật rất khó, phải dựa vào kinh nghiệm làm nghề, sau khi lưỡi gà lắp vào ống khèn,nghệ nhân phải thổi kiểm tra âm vực nhiều lần đến khi đạt tiêu chuẩn thì ống khèn mới được lắp vào thân khèn.

Kỹ thuật làm Khèn của dân tộc Mông
 ảnh 2: ống khèn được lắp lưỡi gà

Sau khi hoàn tất việc lắp ống khèn vào bầu khèn, nghệ nhân dùng vỏ cây hoặc dây nhựa có chiều rộng khoảng 1-1.5cm bó các ống khèn lại vừa có tác dụng trang trí, vừa cố định ống khèn.

Hiện nay bác Giáo vẫn thường xuyên nhận được yêu cầu làm khèn của đồng bào mình trong và ngoài tỉnh, gắn bó với nghề hơn chục năm bác luôn mong muốn tiếng khèn của người Mông được phổ biến rộng rãi hơn nữa.