vietnamese Tiếng Việt english English
Hôm nay:
Tin mới đăng:

Phong tục này cũng khuyến khích người dân bảo vệ rừng, sống hòa hợp với thiên nhiên. Lễ cúng rừng được tổ chức ngay tại trong rừng cấm của từng thôn, bản. Tùy theo điều kiện của địa phương mà lễ vật có sự khác nhau. Có thôn, năm nào cũng mổ lợn, có thôn cứ 3 năm thì mổ trâu một lần.

Mâm lễ vật thường có gà, xôi, thịt, rượu. Người làm lễ chính là một người am hiểu phong tục, được dân làng kính trọng, tín nhiệm.

Trong lễ cúng rừng, người Mông, người Nùng ở Si Ma Cai thắp hương để mời thần rừng về chứng kiến cho tấm lòng thành kính của dân bản.


lễ cúng rừng với lời cầu mong năm mới may mắn



Bài cúng thể hiện lòng biết ơn thần rừng đã che chở cho dân làng, hàm ý mong thần rừng phù hộ cho một năm mới mưa thuận gió hòa, để mọi người có sức khỏe dồi dào, cửa nhà êm ấm, làm ăn phát đạt.
Trong lễ cúng, thầy sẽ phán khi nào nên vào rừng lấy củi, ngày nào là ngày kỵ. Lễ cúng rừng khuyến khích bà con cùng nhau bảo vệ rừng. Ngoài ngày làm lễ cúng rừng ra, rừng cấm là chốn linh thiêng, không được ai xâm phạm đến, không được ai vào chặt cây, làm những điều ô uế. Đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Nùng ở Si Ma Cai quan niệm rằng, nếu ai vi phạm vào lệnh cấm trên, người đó cả năm sẽ gặp những điều không may mắn. Hành động vi phạm nếu bị phát hiện, người vi phạm sẽ phải làm lễ để tạ tội với thần linh. Quan niệm này thường được người dân trong thôn, bản rất tôn trọng, nên ít khi có người vi phạm. Điều này đã góp phần rất lớn vào công tác bảo vệ rừng.

Sau lễ cúng rừng, người dân tổ chức liên hoan ngay tại trong rừng cấm. Một hồi kẻng vang lên để thông báo lễ cúng rừng đã xong. Một hồi kẻng tập hợp dân làng quây quần lại để ăn uống.
Mâm lễ vật thường dành riêng cho những người cao tuổi trong làng. Những thức ăn đã chuẩn bị trước được mang vào rừng cho tất cả mọi người cùng ăn.
Tục lệ cúng rừng đầu năm của đồng bào dân tộc Si Ma Cai thể hiện ý thức tôn trọng, bảo vệ rừng, lòng biết ơn trời đất, tổ tiên./.

Bánh rán Si Ma Cai

Huyện Si Ma Cai là một huyện vùng biên thuộc tỉnh Lào Cai, đây là nơi cư trú của các dân tộc ít người, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số ( hơn 80%). Những phiên chợ vùng cao Si Ma Cai luôn có sức hấp dẫn đối với cả người dân bản địa và du khách trong và ngoài nước. Trong những phiên chợ ấy bánh rán là một món quà vặt được người dân Si Ma Cai rất yêu  thích. Mỗi tuần một phiên chợ, người dân ở đây rất thích đi chợ. Từ già đến trẻ rất mong đến chủ nhật hàng tuần để được đi chợ phiên, để được thưởng thức những thứ quà vặt bình dân, trong đó có món bánh rán vừa rẻ lại ngon.

Bánh rán Si Ma Cai

(Ảnh: Bánh rán Si Ma Cai – món bánh bình dân)

Bánh rán làm từ bột gạo nếp nương. Loại gạo càng dẻo thì bánh ăn càng ngon. Người ta mang gạo nếp nương xay thành bột nước, để qua đêm cho nước chảy bớt chỉ còn lại thứ bột vừa đủ ướt để nặn bánh. Đem nhào bột với gấc nếp để khi rán lên bánh rán vàng rực trông thật bắt mắt, ăn lại thơm ngon mùi của gạo và gấc.

Người làm bánh cũng chỉ cần vài thanh củi, một cái chảo, ba viên gạch làm kiềng là có đủ bộ đồ làm hàng ở bất cứ chỗ nào.Bánh rán Si Ma Cai không làm nhân thịt mà chủ yếu làm nhân đỗ nhào đường, hoặc bánh không nhân khi ăn thì tự chấm với đường thỏa thích. Chỉ cần một đến hai nghìn đồng tiền lẻ người ta có thể tự thưởng cho mình một chiếc bánh rán vàng rộm ngon lành.

Hãy nếm thử món bánh bình dân này để hiểu hơn về một phiên chợ vùng cao nơi biên cương tổ quốc.

Bùi Thương

Bác Lẩu làm du lịch

Ông Lý Xuân Lẩu xã Quan Thần Sán làm Du lịch giỏi

 Bác Lý Xuân Lẩu

Nhà ông Lý Xuân Lẩu ở thôn Sừ Pà Phìn xã Quan Thần Sán huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát; lại nằm trên tuyến du lịch Cán Cấu – Quan Thần Sán – Bắc Hà. Đã từ lâu ông luôn trăn trở muốn xây dựng một điểm dừng chân nho nhỏ cho du khách trong và ngoài nước trên bước đường tìm hiểu thiên nhiên và cuộc sống của đồng bào nơi vùng cao biên giới này.

Khách du lịch thường qua nhà ông dừng chân nghỉ ngơi, và họ  thật sự cuốn hút bởi cách nói chuyện chân thành, cởi mở và những hiểu biết của ông về văn hóa người Mông.

Năm 2009 ông quyết định dựng một ngôi nhà khang trang, rộng rãi làm nơi lưu trú cho những du khách có nhu cầu ăn  nghỉ. Ngôi nhà rộng khoảng 200m2 với 2 tầng được dựng kiên cố, kỹ thuật trình tường và mộc truyền thống của người Mông  khiến người nước ngoài rất thích thú. Ngôi nhà rộng rãi có thể cùng lúc đón tiếp hàng chục du khách.

Bước đầu làm du lịch của ông Lẩu còn rất nhiểu khó khăn và bỡ ngỡ, ông quan niệm vừa làm vừa rút kinh nghiệm dần.

Đến thăm nhà ông Lẩu, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào Mông, uống rượu Ngô pha chế bằng men hồng mi... Được thưởng thức văn nghệ do đội văn nghệ thôn biểu diễn, học hỏi những bài thuốc nam đơn giản và hữu ích, tìm hiểu cuộc sống sản xuất ruộng nương của đồng bào Mông, học hỏi những nét văn hoá truyền thống qua hàng nghìn năm của đồng bào nơi đây... Hiện nay ông Lẩu đang sưu tầm những vật dụng truyền thống của người Mông để trưng bày cho du khách thăm quan tìm hiểu.

 Giờ đây nhà ông Lẩu đã trở thành một điểm dừng chân đáng tin cậy của du khách trên cung đường du lịch Cán Cấu – Quan Thần Sán – Bắc Hà. Những hoạt động du lịch của ông Lẩu đang góp phần giới thiệu và quảng bá hình ảnh Si Ma Cai đến bạn bè trong nước và quốc tế. Vẫn biết trên cái chặng đường ấy còn nhiều gian nan vất vả. Rất cần sự chung sức của cả cộng đồng để giúp đỡ những con người tâm huyết như ông Lẩu trong phát triển du lịch. Để rồi ngày mai đây chúng tôi tin tưởng rằng sẽ có nhiều du khách đến khám phá nét đẹp của Si Ma Cai./.
Bùi Thị Thương-PVH

  Kỹ thuật làm Khèn của dân tộc Mông

 Si Ma Cai là một vùng cao biên giới thuộc tỉnh Lào Cai, là một trong những huyện rất khó khăn nhưng văn hóa bản địa của cộng đồng các dân tộc Si Ma Cai luôn lôi cuốn tất cả những ai muốn tìm hiểu và khám phá những điều mới lạ ở cộng đồng người dân tộc thiểu số. Đi du lịch tại Si Ma Cai bạn sẽ thấy, hiểu và yêu hơn mảnh đất biên cương này. Mời bạn đến Si Ma Cai để tìm hiểu về chiếc khèn Mông.

Khèn Mông có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Mông. Nó là công cụ để người chết biết tìm đường về với tổ tiên họ hàng, hiện nay khèn Mông được sử dụng rộng rãi như một nhạc cụ trong đời sống và biểu diễn nghệ thuật.

Khèn Mông được làm từ những vật liệu tự nhiên, gần gũi với đời sống người Mông; hiện nay trên địa bàn huyện Si Ma Cai, số nghệ nhân biết làm loại nhạc cụ này không còn nhiều, trong đó ông Hoàng A Giáo ( xã Bản Mế) là một nghệ nhân có tài, hiện nay nghề làm khèn dân tộc với giá mỗi chiếc từ 800 nghìn đến hơn 1 triệu một chiếc đã mang lại nguồn thu nhập chính cho ông Giáo.

Kỹ thuật làm Khèn của dân tộc Mông
 ảnh 1 ( nghệ nhân Hoàng A Giáo xã Bản Mế )

Làm được một chiếc khèn đòi hỏi phải lựa chọn được vật liệu tốt, vật liệu để làm khèn chủ yếu là tre và gỗ. Thân khèn được làm bằng gỗ thông hoặc gỗ xoan, việc lựa chọn loại gỗ có độ săn chắc từ những loại cây mọc ở nơi đất xấu thì khèn mới bền, ít bị nứt, hỏng. Người ta bổ khối gỗ ra làm 2 phần, khoét rỗng bên trong, họ sẽ ghép lại 2 miếng gỗ lại sao cho tạo được thân khèn. Cấu tạo thân khèn gồm có: ống thổi ( được bịt bằng sắt hoặc đồng), bầu khèn ( là một bầu rỗng, nơi chứa các ống khèn); và chân khèn.

Nghệ nhân sẽ ghép và cố định 2 mảnh gỗ bằng vỏ cây, ngày nay nghệ nhân có thể dùng dây nhựa cố định thân khèn, để thân khèn và bầu khèn chắc chắn nghệ nhân sẽ dùng những chiếc đinh rất nhỏ đóng vào bầu khèn.

Người ta cắt 6 ống tre, có độ dài ngắn khác nhau, đó chính là công cụ tạo lên các âm điệu trầm, bổng của chiếc khèn. Ống khèn được làm từ một loại tre (người Mông gọi chung các loại cây họ tre đều là cây tre); loại tre này có đặc điểm ống nhỏ, vỏ dày, chắc chắn.

Nghệ nhân xác định độ dài các ống khèn một phần dựa vào kinh nghiệm bản thân, theo ông Hoàng A Giáo, xã Bản Mế cho biết: Sử dụng đơn vị là độ rộng của các ngón tay, lòng bàn tay để xác định độ dài các ống khèn. Lắp ống khèn vào thân khèn để tạo lỗ khèn, lỗ khèn được tạo sao cho vừa tay người thổi, dùng dao nhọn chọc tạo lỗ khèn và dùng một thanh sắt tròn đều nung trong lửa nóng để đục tạo lỗ

Tạo lưỡi gà cho các ống khèn: Lưỡi gà làm bằng đồng được dát mảnh sẽ tạo ra được âm vang xa; riêng ống tre to nhất nghệ nhân sẽ đặt 2 lưỡi gà. Cách đặt lưỡi gà vào bầu khèn có chiều hướng vào phía trong của bầu.

Cắt lưỡi gà là một kỹ thuật rất khó, phải dựa vào kinh nghiệm làm nghề, sau khi lưỡi gà lắp vào ống khèn,nghệ nhân phải thổi kiểm tra âm vực nhiều lần đến khi đạt tiêu chuẩn thì ống khèn mới được lắp vào thân khèn.

Kỹ thuật làm Khèn của dân tộc Mông
 ảnh 2: ống khèn được lắp lưỡi gà

Sau khi hoàn tất việc lắp ống khèn vào bầu khèn, nghệ nhân dùng vỏ cây hoặc dây nhựa có chiều rộng khoảng 1-1.5cm bó các ống khèn lại vừa có tác dụng trang trí, vừa cố định ống khèn.

Hiện nay bác Giáo vẫn thường xuyên nhận được yêu cầu làm khèn của đồng bào mình trong và ngoài tỉnh, gắn bó với nghề hơn chục năm bác luôn mong muốn tiếng khèn của người Mông được phổ biến rộng rãi hơn nữa.

 Hành trình khám phá Si Ma Cai

Dọc theo quốc lộ 70 đến Bắc Ngầm rẽ vào tỉnh lộ 153, du khách sẽ được ngắm nhìn những dãy núi đá cổ xen giữa những bản làng của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Điểm dừng chân đầu tiên là thị trấn Bắc Hà sầm uất nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của một thị trấn miền núi. Tại đây du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành mát mẻ và thăm quan những di tích của huyện. Du khách có thể nghỉ qua đêm tại thị trấn Bắc Hà.
Điểm dừng chân thứ hai là xã Cán Cấu:
Tiếp tục cuộc hành trình khám phá thiên nhiên và văn hóa trên cung đường Tây Bắc hùng vỹ, thơ mộng du khách sẽ đến với xã Cán Cấu .
 Cán Cấu - một vùng đất chứa đầy sự sống mãnh liệt của thiên nhiên và con người. Những nương ngô xanh mướt phủ lên những triền núi đá thẳng đứng, xa xa những em bé đang nô đùa chăn dê, chăn bò. Trong bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc ấy còn vang vọng lên những tiếng sáo trữ tình, những tiếng hót của đàn chim tự do, tiếng kêu be be của đàn dê no cỏ. Đến với Cán Cấu, bạn sẽ tận hưởng cuộc sống bình yên, mặc dù còn nhiều gian khổ nhưng chứa đựng sức sống kiên cường của con người. Cứ đến thứ 7 hàng tuần mọi người nô nức đi Chợ Cán Cấu nơi diễn ra các hoạt động mua bán sôi nổi các sản phẩm địa phương của người dân nơi đây. Chợ Cán Cấu là một không gian sinh hoạt văn hóa nhiều màu sắc của đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Si Ma Cai, là chợ gia súc nổi tiếng như: Trâu, bò, ngựa… của các tỉnh miền núi phía bắc. Đến Cán Cấu du khách có thể tham quan những làng nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm ở Cán Chư Sử, rượu Mù Tráng Phìn, tham quan hồ Cán Cấu, xem các đội văn nghệ thôn, xã biểu diễn.
Điểm dừng chân thứ ba của du khách: Dời Cán Cấu ta tiếp tục đến với xã Si Ma Cai.
                  
Hành trình khám phá Si Ma Cai
         
                                                       Một bản người Mông – Si Ma Cai
Si Ma Cai có nghĩa là Chợ ngựa mới, đến đây du khách sẽ được khám phá nét văn hóa của đồng bào Mông, Nùng, Thu Lao... Du khách sẽ đi chợ phiên, họp vào chủ nhật hàng tuần cùng nhân dân địa phương thưởng thức phong cách ẩm thực đặc trưng với rượu ngô, phở trộn, thắng cố ngựa, thắng cố dê, mèn mén, óc đậu, bánh đúc…Ngoài ra du khách có thể mua sắm những sản phẩm địa phương làm quà như ớt ngâm, mật ong rừng, thổ cẩm…Tại đây du khách có thể dừng chân nghỉ tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện như : Khách sạn Hồng Nhung, nhà nghỉ A27, hoặc nhà khách UBND huyện. Hoặc nhà văn hóa thôn, thưởng thức văn nghệ như : Múa gậy xu tiền, kèn lá, kèn môi…Đến với huyện Si Ma Cai vào mỗi độ xuân về du khách sẽ được tham dự các lễ hội truyền thống như lễ hội xuống đồng của đồng bào Nùng – Nàn Sán, lễ hội gầu tào của đồng bào Mông…
Điểm dừng chân thứ tư là xã Bản Mế: Đến Bản Mế, du khách có thể nghỉ chân tại nhà ông Thèn Chẩn Sín - đảm bảo được các điều kiện cơ bản về ăn nghỉ. Tại Bản Mế du khách sẽ được tham gia hoạt động : sản xuất nông nghiệp, tham quan những ruộng bậc thang, di thuyền, câu cá trên sông Chảy, leo núi, khám phá rừng cấm, rừng nguyên sinh.                                  
Trên đường đi vào Bản Mế, du khách có thể ghé thăm xã Sín Chéng là một vùng đất trù phú của huyện Si Ma Cai, đến với phiên chợ Sín Chéng họp vào thứ tư hàng tuần. Tham quan khu nhà trình tường độc đáo của đồng bào Mông và thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào nơi đây.
- Dời Si Ma Cai du khách có 3 lựa chọn :
+ Lựa chọn 1 : Xuôi thuyền sông Chảy qua xã Sín Chéng và Nàn Sín của huyện Si Ma Cai về Hoàng Thu Phố - Cốc Ly của huyện Bắc Hà về Lào Cai.
+ Lựa chọn 2 : Đi đường bộ sang Tả Gia Khâu - Dìn Chin - Pha Long (thuộc huyện Mường khương) về Lào Cai.
+ Lựa chọn 3 : Rẽ qua Sín Chéng - Nàn Sín đi Cốc Ly - Bắc Hà về Lào Cai.
2. Điều kiện giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và thông tin liên lạc:
* Điều kiện giao thông:
Dọc theo tuyến là đường quốc lộ 70 nối với tỉnh lộ 153 tới huyện Bắc Hà có chất lượng đường tốt. Đoạn đường từ Bắc Hà lên Si Ma Cai đang được nâng cấp, sửa chữa việc đi lại tương đối thuận tiện ( loại phương tiện thích hợp là ô tô, xe máy, xe đạp địa hình…) Hiện nay đang thi công tuyến đường quốc lộ 4D nối Hà Giang - Si Ma Cai - Mường Khương.
Giao thông đường thủy đảm bảo những điều kiện cơ bản, một số phương tiện vận tải đường thủy đã được cấp giấy phép. Tuy nhiên cơ sở vật chất kỹ thuật của giao thông đường thủy đòi hỏi được đầu tư nhiều hơn để nâng cao chất lượng phục vụ du lịch: bến bãi, phương tiện vận chuyển, nâng cao kiến thức của chủ các phương tiện đường thủy trong phục vụ du lịch….
* An ninh trật tự:
Dọc tuyến du lịch, điều kiện an ninh trật tự luôn được đảm bảo tạo cho du khách cảm giác an toàn khi đến với huyện Si Ma Cai.
* Về môi trường:
 Là một huyện miền núi, Si Ma Cai có không khí trong lành tự nhiên, cây cối bốn mùa xanh tốt.
* Thông tin liên lạc:
Đảm bảo thông suốt trên tuyến du lịch.
* Dịch vụ lưu trú:
+ Chất lượng dịch vụ cơ bản đáp ứng được yêu cầu của khách tham quan.
+ Điều kiện vệ sinh tại các cơ sở tốt đạt chất lượng cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch.
+ Mức giá hiện nay của một số hộ cho khách du lịch thuê ngủ lại qua đêm là 50.000đ/ người/ ngày. Giá cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện trung bình là 180.000đ/ phòng/ngày đêm.
3. Lịch trình của tuyến:
Stt
Thời gian
Lịch trình
1
1 ngày
Từ Lào Cai du khách lên Bắc Hà tham quan, nghỉ tại Bắc Hà 1 đêm
2
1 ngày
Lên thăm chợ Cán Cấu, ăn trưa tại chợ tham quan làng nghề truyền thống. Nghỉ đêm tại nhà dân hoặc lên trung tâm huyện  Si Ma Cai nghỉ tại các nhà nghỉ và khách sạn.
3
1 ngày
Thăm xã Si Ma Cai, đi chợ Si vào những ngày chủ nhật, tham quan một số ngôi làng của người dân địa phương, nghỉ đêm tại Si Ma Cai.
4
1 ngày
Tham quan Bản Mế, rẽ qua Sín Chéng vào ngày chợ phiên, xuống Bản Mế thăm ruộng bậc thang, tham gia các hoạt động thể thao hòa mình vào thiên nhiên. Nghỉ qua đêm tại nhà dân rất tiện lợi. Du khách có thể về luôn bằng đường thủy trên sông Chảy.